Câu chuyện nghề luật – Vì sao hàng trăm sinh viên không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”?

Câu chuyện nghề luật – Vì sao hàng trăm sinh viên không trả lời được câu hỏi “Tôi là ai?”?

Nhằm trang bị hành trình lập nghiệp của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, trong chuỗi hoạt động của Ulaw Career Day 2018 được tổ chức vào ngày 21/4/2018, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Talkshow “Những câu chuyện nghề - chủ đề: Tôi là ai?” với sự tham gia chia sẻ của những diễn giả là các chuyên gia, nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm. Talkshow có 2 chủ đề chính được chia làm hai phần: “Tôi là ai?” và “Sinh viên ra trường, làm chủ hay làm thuê?”.

Những “ảo tưởng” của sinh viên về bản thân khi mới tốt nghiệp

Đối với sinh viên, khoảng thời gian tìm việc sau khi tốt nghiệp luôn là khoảng thời gian khó khăn nhất. Bà Võ Thị Minh An – Giám Đốc Tuyển dụng nhân tài – Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam Techcombank chia sẻ, tuy bản thân mình đã tốt nghiệp cử nhân kép hạng ưu chuyên ngành Quan hệ quốc tế và Tiếng Pháp tại Đại học Mount Holyoke (Mỹ) nhưng khi trở về Việt Nam, bà cũng đã trải qua thời gian 4 tháng tìm kiếm việc làm. Vì vậy có thể thấy rằng, việc sở hữu một tấm bằng xuất sắc đôi lúc không thể đảm bảo sẽ mang lại cho bạn một công việc như ý muốn.

Các diễn giả chia sẻ về câu chuyện nghề nghiệp của mình

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam - Chi nhánh TP. HCM chia sẻ, một trong những “căn bệnh” khó chữa của sinh viên mới ra trường hiện nay là các bạn thường bị ảo tưởng về kiến thức, kỹ năng và mức lương. Theo ông, sinh viên nên ý thức được rằng kiến thức các bạn học được ở giảng đường chỉ mới là điều kiện cần thiết để bước vào xã hội, để có thể thành công bạn cần phải nhiều thứ hơn nữa. Sau tốt nghiệp, sinh viên không được ngủ quên trên chiến thắng, không được dựa dẫm vào tấm bằng của mình mà phải luôn trau dồi nhiều để không cảm thấy chênh vênh.

Với kinh nghiệm của mình, bà Minh An cho rằng sở hữu một tấm bằng xuất sắc đôi lúc không thể đảm bảo sẽ mang lại cho bạn một công việc như ý muốn.

Làm thế nào để “giữ lửa” sau khi ra trường?

Một trong những bí quyết giữ lửa của các diễn giả đó là xác định được ngày mai và tương lai bạn cần gì. Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm đào tạo Quản trị mạng và An ninh mạng quốc tế ATHENA chia sẻ, trong khoảng thời gian ra trường chưa có việc làm, để tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng và chán chường, các bạn sinh viên phải năng nổ và hòa nhập với thế giới bên ngoài, tích cực tham gia các hoạt động xã hội cũng như tìm cho mình những Mentor (Người hướng dẫn) để có thể học hỏi kinh nghiệm và có được những định hướng đúng đắn cho mình. Và cũng đừng bao giờ so sánh “đồng hồ” của bản thân mình với người khác, vì “nhịp thành công” của mỗi người là khác nhau.

Ông Võ Đỗ Thắng hướng dẫn cho sinh viên làm thế nào để “giữ lửa” khi mới ra trường.

Bí quyết thành công cho mọi ngành nghề

Với nhiều năm kinh nghiệm của mình, chị Minh An chia sẻ bí quyết thành công của mình được tóm gọn trong 3 chữ: A-S-K

Attitude – Thái độ: để chinh phục được nhà tuyển dụng cũng như thành công trên con đường sự nghiệp của mình, sinh viên phải là người có tư duy mở, ham học hỏi, kiên trì cũng như luôn chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức.

Skill – Kỹ năng: sinh viên phải tích lũy kỹ năng ngay cả trong học tập lẫn công việc part-time. Những kỹ năng mà mọi sinh viên cần phải có đó là tư duy phản biện, phân tích và đánh giá tình hình và giao tiếp.

Knowledge – Kiến thức: ngoài những kiến thức được học ở giảng đường, sinh viên phải tích lũy từ nhiều nguồn, tham gia các hội thảo cũng như các tọa đàm để có cái nhìn sát thực tế hơn.

Định vị bản thân giữa một thị trường rộng mở

Theo ông Trương Hiền Phương, một trong những nguyên tắc thành công đó là biết người biết ta, không ngừng học hỏi và đừng đặt mục tiêu quá xa so với tầm với. Cố gắng từng bước chạm tay đến thành công.

Ông Trương Hiền Phương nhắn nhủ các sinh viên hãy dám thử thách bản thân để chạm đến thành công.

Kết thúc phần chia sẻ, ông Phương nhắn nhủ với các bạn sinh viên để có thể “định vị riêng”, sinh viên phải để bản thân “thử, sai và sửa”.

(còn tiếp) Câu chuyện nghề luật: Làm chủ hay làm thuê? – Hành trình nhận ra “Tôi là ai?” và hiện thực nó


--%>
Top