Giới thiệu về Khoa Ngoại ngữ pháp lý Trường ĐH Luật TP. HCM

Khoa Ngoại ngữ Pháp lý được thành lập theo Quyết định số 1489/QĐ-ĐHL ngày 24 tháng 10 năm 2017 của Hiệu trưởng trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh trên cơ sở Kết luận của Hiệu trưởng tại cuộc giữa lãnh đạo Bộ môn Anh văn Pháp lý ngày 27/7/2017 và tại cuộc họp giao ban cán bộ chủ chốt ngày 24/8/2017. Khoa Ngoại ngữ pháp lý được hình thành trên cơ sở hợp nhất hai Bộ môn tiếng Anh pháp lý và Bộ môn tiếng Nhật. Ngày 06/12/2017, Nhà trường đã tổ chức lễ công bố quyết định thành lập Ngoại ngữ Pháp lý. Đây là Khoa chuyên ngành đào tạo thứ 8 của Nhà trường.

GS.TS.NGƯT. Mai Hồng Quỳ trao quyết định thành lập Khoa Ngoại ngữ pháp lý

1. Thành lập Khoa Ngoại ngữ Pháp lý - sự phát triển tất yếu của Nhà trường

Việc thành lập Khoa Ngoại ngữ Pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển chung của nhà trường theo định hướng đa ngành, khẳng định tính đúng đắn của việc mở chuyên ngành đào tạo mới cho xã hội, đồng thời là cơ hội nâng cao chất lượng và yêu cầu quản lý đối với sinh viên chính quy chuyên ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn Pháp lý và kiện toàn công tác quản lý giảng dạy, đào tạo tiếng Nhật đối với chương trình cử nhân Luật chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật. Bên cạnh đó, việc gọi tên Khoa Ngoại ngữ pháp lý là cần thiết nhằm khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai đào tạo, khả năng cạnh tranh và thu hút đối tượng tuyển sinh vào chuyên ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn Pháp lý - ngành đào tạo mới nhiều tiềm năng của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh. Đây cũng là bước phát triển quan trọng trong việc xây dựng và quản lý các chương trình đào tạo ngôn ngữ và liên thông giữa các chuyên ngành đào tạo của trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Ngành đào tạo ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý đã liên tục tuyển sinh viên từ năm 2013 đến nay và đảm nhận giảng dạy một trong số 04 chuyên ngành đào tạo chính quy của Nhà trường. Bộ môn được thành lập và đi vào hoạt động từ 2013 là một Bộ môn trực thuộc Trường. Kể từ năm 2013 đến nay, Bộ môn đã đào tạo 05 khóa sinh viên và đã có 01 khóa sinh viên chính quy đã ra trường (LE 38).  Đặc biệt, khóa này đã có 05 sinh viên đã có việc làm ngay tại các công ty luật hàng đầu, phù hợp chuyên ngành đào tạo và được nhà tuyển dụng đánh giá tốt. Kết quả đánh giá tốt nghiệp của sinh viên LE 38 cho thấy 100% sinh viên có kết quả học tập từ khá, giỏi trở lên (03 sinh viên giỏi). Hàng năm số lượng tuyển sinh ổn định (chỉ tiêu 50 sinh viên mỗi năm). Tổng số sinh viên hiện tại từ khóa 39 đến khóa 42 là 232 sinh viên.

Sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh bảo vệ luận văn

Về nhân sự, số lượng cán bộ giảng viên ngày càng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến tháng 7 năm 2017, Bộ môn có tổng cộng 12 cán bộ giảng viên, trong đó có 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh, 08 có trình độ thạc sĩ và 02 cán bộ, giảng viên có trình độ đại học; 08/12 cán bộ giảng viên có chuyên môn về luật.

Đội ngũ Khoa Ngoại ngữ pháp lý

Trong những năm qua, Bộ môn đã cùng phối hợp với Trung tâm VASS tham gia giảng dạy tiếng Anh cho sinh viên và học viên của trường, tham gia ở một số công đoạn trong quá trình tuyển sinh cao học luật (ôn tập đầu vào ngoại ngữ). Bên cạnh đó, Bộ môn đã được giao một số nhiệm vụ của nhà trường như dịch thuật Hội thảo, tài liệu và những công việc có liên quan đến tiếng Anh, bao gồm tổ chức giao lưu sinh viên quốc tế.

Kể từ năm học 2011-2012,  Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với trường ĐH Nagoya (Nhật Bản) mở chương trình Cử nhân Luật tăng cường tiếng Nhậttại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Chương trình này nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng của pháp luật Việt Nam và một số lĩnh vực quan trọng của pháp luật Nhật Bản bên cạnh khối lượng giờ học tiếng Nhật đạt chuẩn để sinh viên có thể tham dự các kỳ thi ngôn ngữ của hệ thống giáo dục Nhật Bản. Kể từ năm 2012, Trung tâm Đào tạo & Nghiên cứu luật Nhật Bản tại ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh chính thức được thành lập với sự liên kết với Trường Đại học Tổng hợp Nagoya, Nhật Bản theo Quyết định số 1893/QĐ- ĐHL ngày 13/9/2016. Bên cạnh hoạt động tăng cường giao lưu trao đổi văn hóa và kiến thức pháp luật giữa Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh và Trường Đại học Tổng hợp Nagoya và các Trường đại học khác của Nhật Bản, Trung tâm đã điều hành chương trình đào tạo cử nhân chính quy chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Nhật. Nhà trường cũng đã thành lập Tổ tiếng Nhật trực thuộc Trung tâm theo Quyết định số 1893/QĐ- ĐHL ngày 13/9/2016 để chuyên môn hóa hoạt động giảng dạy tiếng Nhật cho các lớp chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Nhật. Cho đến thời điểm này, đã có 03 khóa cử nhân Luật chính quy chất lượng cao ngành Luật, tăng cường tiếng Nhật ra trường với chất lượng tốt.

Việc đưa Bộ môn vào sinh hoạt chuyên môn và tổ chức của Khoa Ngoại ngữ pháp lý là sự cần thiết nhằm tiếp tục giảng dạy tiếng Nhật cho sinh viên các lớp chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật và tiếp tục kế thừa thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm đào tạo và nghiên cứu pháp luật Nhật bản sau khi sáp nhập. Đồng thời kiện toàn bộ máy tổ chức giúp các giảng viên chuyên tâm vào chuyên môn nhằm đạt kết quả tốt nhất trong công tác giảng dạy. Đây cũng là cơ sở để nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo cử nhân Luật tiếng Nhật và cử nhân ngôn ngữ Nhật trong tương lai.

2. Khoa Ngoại ngữ pháp lý - Những định hướng phát triển trong tương lai

Các học phần tiếng Anh pháp lý hiện đã được giảng cho sinh viên chuyên ngành luật, các lớp chất lượng cao từ khóa 41 và kể từ đầu học kỳ tới là khóa 42. Kể từ năm 2016 đến nay, Bộ môn cũng đã đào tạo được một số khóa tiếng Anh pháp lý (ngắn hạn) đáp ứng nhu cầu trang bị kiến thức chuyên ngành tiếng Anh pháp lý theo nhu cầu xã hội. Bộ môn Anh văn pháp lý cũng đã được giao nhiệm vụ quan trọng là tổ chức kỳ thi IELTS (nội bộ) cho cán bộ giảng viên nhà trường. Bộ môn đã xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo theo hướng nâng cao về chất lượng và chuyên sâu. Kể từ năm học 2017 - 2018, cùng với việc rà soát, hoàn chỉnh chương trình đào tạo hiện có, Bộ môn đã xây dựng xong các chương trình đào tạo liên thông giữa ngành ngôn ngữ Anh, ngành luật và ngành quản trị kinh doanh.

Trong thời gian tới, Khoa Ngoại ngữ pháp lý sẽ tiếp tục đào tạo trình độ cử nhân ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý theo hướng liên thông giữa hai chuyên ngành tiếng Anh pháp lý và Luật, tiếng Anh pháp lý và quản trị kinh doanh; các chương trình tiếng Anh pháp lý cho sinh viên các lớp chất lượng cao ngành luật xây dựng định hướng văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý; đào tạo các chương trình tiếng Anh pháp lý chuyên sâu theo yêu cầu xã hội.

Sinh viên Khoa Ngoại ngữ pháp lý chúc mừng Thầy/Cô ngày 20/11

Khoa Ngoại ngữ pháp lý đảm nhiệm giảng dạy tiếng Nhật phổ thông cho các lớp thuộc chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật. Tiến tới đảm đương giảng dạy các học phần tiếng Nhật pháp lý và xây dựng các chương trình chuyên sâu ngắn hạn tiếng Nhật; giảng dạy và bồi dưỡng để thi cấp chứng chỉ tiếng tiếng Nhật thuộc chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật và sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, chuyên ngành tiếng Anh pháp lý; giảng dạy các môn ngoại ngữ pháp lý cho các chuyên ngành luật có tăng cường ngoại ngữ (như các chương trình tăng cường tiếng Pháp, Nhật). Khoa sẽ tiếp tục tổ chức các kỳ thi kiểm tra trình độ tiếng Anh theo chuẩn quốc tế cho cán bộ, giảng viên và kiểm tra năng lực tiếng Anh các ứng viên xin về công tác tại trường, đồng thời phối hợp cùng Trung tâm Ngoại ngữ Việt – Mỹ (VASS) tham gia giảng dạy các khóa tiếng Anh dành cho sinh viên, học viên của nhà trường, ôn thi đầu vào tiếng Anh cao học luật và chấm thi tiếng Anh công nhận điều kiện tốt nghiệp.

Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, Khoa sẽ đảm nhận các nhiệm vụ dịch thuật tiếng Anh, Nhật cho nhà trường và các nhiệm vụ khác do nhà trường giao liên quan đến yêu cầu về ngoại ngữ; là đầu mối thực hiện các hoạt động đối ngoại của nhà trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học về tiếng Anh, tiếng Nhật tổng quát và pháp lý nói chung; tiếp tục thực hiện hợp tác quốc tế với đối tác Nhật bản và thực hiện các chức năng Trung tâm đào tạo nghiên cứu pháp luật Nhật Bản và quản lý về nhân sự đối với các trường hợp tuyển dụng là giảng viên, chuyên gia người nước ngoài ký hợp đồng làm việc để giảng dạy cho các chương trình đặc biệt của nhà trường. Cũng trên cơ sở mô hình hoạt động của Trung tâm đào tạo nghiên cứu pháp luật Nhật Bản, Khoa sẽ lên phương án và xây dựng kế hoạch, tìm kiếm đối tác nhằm hình thành các trung tâm nghiên cứu pháp luật của các nước.

Tóm lại, việc thành lập Khoa Ngoại ngữ Pháp lý là bước đi đúng đắn và cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển chung của nhà trường theo định hướng đa ngành, đáp ứng nhu cầu của xã hội và nâng cao chất lượng đào tạo ngoại ngữ của trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh. Trong trong suốt thời gian hoạt động vừa qua, hai Bộ môn Anh văn pháp lý và Bộ môn tiếng Nhật đã hội tụ đủ các điều kiện về tổ chức bộ máy cũng như số lượng sinh viên hiện hữu để trở thành một Khoa trực thuộc Trường. Hai bộ môn có đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng nắm vững chuyên môn, nhiệt huyết với nghề và có nhiều giảng viên có bằng cấp đạt chuẩn quốc tế. Cùng với các chuyên ngành đào tạo khác, Khoa Ngoại ngữ pháp lý sẽ góp sức vào việc phát triển nhà trường lên tầm cao mới xứng đáng với thương hiệu là một trong hai cơ sở đào tạo luật hàng đầu của cả nước theo đúng tôn chỉ của nhà trường “Sáng tri thức - Vững công minh”.

(Bài và hình: Khoa Ngoại ngữ Pháp lý) 

--%>
Top