Theo kết quả công bố của các Trung tâm Kiểm định được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, Trường Đại học Luật TP. HCM là một trong 30 cơ sở giáo dục được công nhận đạt chất lượng giáo dục và trao Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng. Đây cũng là một trong hai cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật đầu tiên trong cả nước được công nhận.
Ngày 19/5/2017, Trường đại học Luật TP.HCM sẽ tổ chức đó nhận chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2017 – 2022, để đạt được kết quả trên, tập thể cán bộ, giảng viên, học viên sinh viên, cựu sinh viên của Nhà trường đã rất nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong và thực hiện hoạt động Kiểm định bên ngoài.
Quá trình nỗ lực cải tiến chất lượng giáo dục của cả tập thể
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh có quá trình hình thành hơn 40 năm và được chính thức mang tên Trường Đại học Luật TP.HCM từ năm 1996. Trải qua một chặng đường phát triển, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước khẳng định vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học pháp lý và truyền bá pháp luật lớn nhất ở khu vực phía Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm và làm việc tại Trường năm 2016
Năm 2009, Trường là 1 trong số 40 trường đại học trong cả nước đã hoàn thành hoạt động đánh giá ngoài. Đến năm 2014, thực hiện đúng quy định của pháp luật về chu kỳ kiểm định 5 năm, Trường tiếp tục hoàn thành Bản báo cáo Tự đánh giá và tập hợp Danh mục minh chứng để sau đó vào tháng 6/2016, Trường đã đăng ký hoạt động đánh giá ngoài tại Trung tâm Kiểm định Đại học Quốc gia TP.HCM (một trong bốn trung tâm kiểm định được Bộ GD&ĐT công nhận).
Nội dung kiểm định tuân thủ theo Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học của Bộ GD&ĐT (theo Văn bản hợp nhất số 06/ VBHN-BGDĐT) bao gồm 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí bao quát tất cả các lĩnh vực của Nhà trường bao gồm: sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phục vụ cộng đồng, đội ngũ, cơ sở vật chất...Ngày 03/5/2017, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Đại học Quốc gia TP.HCM đã ký Quyết định số 10/QĐ-TTKĐ cấp Giấy chứng nhận Kiểm định chất lượng giáo dục cho Trường Đại học Luật TP.HCM. Giấy chứng nhận này có giá trị 5 năm – hiệu lực đến ngày 03/5/2022.
Trường ĐH Luật TP. HCM được trao tặng Huân chương lao động hạng Nhất đợt kỷ niệm 20 năm thành lập
Sự kiện Trường Đại học Luật TP. HCM tiếp tục được công nhận và trao Giấy chứng nhận Kiểm định lần này ngoài việc ghi nhận sự nỗ lực của tập thể đội ngũ cán bộ, giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên qua nhiều thế hệ, cũng là sự tiếp tục khẳng định vị thế của Trường là cơ sở đào tạo ngành Luật lớn nhất khu vực phía Nam, và xu thế phát triển của Nhà trường là phù hợp yêu cầu của quá trình đổi mới và hội nhập.
Kiểm định chất lượng giáo dục không là đích đến
Thạc sỹ Vũ Duy Cương – Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng và phương pháp giảng dạy của Trường đã khẳng định:“Kiểm định chất lượng giáo dục không phải là một đích đến – mà nó là một quá trình nỗ lực hết mình nhằm cải tiến chất lượng liên tục, bền bỉ theo những định hướng phù hợp với nguồn nhân lực của Nhà trường cũng như yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong giai đoạn hội nhập”.
Kết quả kiểm định của Trung tâm Kiểm định (ĐHQG TP.HCM) đã ghi nhận những ưu thế nổi bật của một sơ sở đào tạo chuyên ngành Luật lớn thứ hai của cả nước đối với Trường như: là trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật của cả nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ,có bề dày kinh nghiệm trong công tác đào tạo cán bộ pháp luật với lịch sử phát triển 40 năm, đã góp phần đào tạo phần lớn đội ngũ cán bộ pháp luật cho các tỉnh phía Nam.Tính đến 10/2016, Trường có qui mô đào tạo 18.705 người học, với đầy đủ các chuyên ngành luật, từ bậc đại học đến cao học và tiến sĩ luật, với qui mô đào tạo lớn thứ 2 của cả nước. Hiện nay, Nhà trường có đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật mạnh cả về số lượng và chất lượng, đứng thứ 2 cả nước, lớn nhất khu vực phía Nam và gấp hàng chục lần các cơ sở đào tạo cử nhân luật ở phía Nam (Khoa Luật Kinh tế - ĐH Kinh tế TP. HCM, Khoa Luật – ĐH Sài Gòn, Khoa Luật – ĐH Kinh tế, Khoa Luật – ĐH Mở, Khoa Luật – ĐH Đà Lạt...).
Đội ngũ giảng viên của Trường có số lượng gấp nhiều lần các cơ sở đào tạo luật ở phía Nam
Nhà trường là cơ sở đào tạo cử nhân luật duy nhất ở phía Nam có bộ giáo trình, tập bài giảng và tài liệu học tập của trường. Đến tháng 02/2016, Nhà trường đã biên soạn được 36 giáo trình và 30 tập bài giảng, trong đó có những giáo trình đóng vai trò quan trọng trong chương trình đào tạo ngành Luật của các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đầu tư cho chất lượng đào tạo, trường đại học Luật TP.HCM cũng rất chú trọng đến các hoạt động rèn luyện kĩ năng, tạo nhiều cơ hội để sinh viên trau dồi kinh nghiệm và định hướng tương laithông qua các cuộc thi học thuật với quy mô lớn, các buổi hội thảo, tọa đàm về các vấn đề chuyên môn cũng như các sự kiện nóng của xã hội.
Moot court “Phiên tòa giả định” – Kênh đào tạo kỹ năng pháp lý hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế.
Tính từ năm 1996 đến 10/2016, Trường đã đào tạo và cấp bằng cho trên 44.842 sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (trong đó có 19.113 sinh viên hệ chính quy, 1.071 hệ chính quy văn bằng 2 và 22.803 học viên hệ vừa làm vừa học; trình độ Thạc sĩ: 1.830 học viên và trình độ Tiến sĩ: 25 nghiên cứu sinh).
Tọa đàm câu chuyện nghề Luật
Hàng năm, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh hàng năm có việc làm là khá cao. Tỉ lệ sinh viên có việc làm ổn định đều chiếm trên 85% (Theo số liệu năm 2016, tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm 86%, trong đó tỉ lệ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp chiếm 60% và có 23% sinh viên có việc làm sau 6 tháng)... Bắt đầu, từ năm 2016, Nhà trường đã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo GBI Quốc tế đưa giảng dạy các môn về “Kỹ năng mềm - Kỹ năng làm việc chuyên nghiệp” trong chương trình đại học. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp với kiến thức và kỹ năng đã được trang bị, sinh viên sẽ có cơ hội rất lớn trong việc tìm kiếm việc làm và phát triển nghề nghiệp của mình trong tương lai.
Ulaw career – “Ngày hội việc làm” mang tầm nhìn và cơ hội
Hiện nay, Nhà trường đang thực hiện tự chủ trong lĩnh vực đào tạo, thực hiện Đề án tuyển sinh riêng theo 2 bước kết hợp phương thức “Xét tuyển” với “Kiểm tra năng lực” (phương thức này đã nhận được sự đồng thuận và đánh giá cao của lãnh đạo Bộ Giáo dục & Đào tạo, cũng như của xã hội trong năm 2016). Đây là phương thức tuyển sinh viên phù hợp với xu hướng học Luật của các quốc gia phát triển trên thế giới. Trong quá trình thực hiện phương thức tuyển sinh này, Nhà trường đã có tham khảo “Mô hình LSAT”, mô hình tuyển sinh được áp dụng ở một số nước như Hoa Kỳ, Canada và Úc (điều cần có khi thí sinh muốn thi và học tại các trường Luật).Điều này, giúp thí sinh bước đầu có thể xác định được ngành học mình lựa chọn học tại Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh là phù hợp với khả năng và nguyện vọng của mình.
Với tiêu chí chất lượng đã được khẳng định “Chuẩn mực – Năng động – Uy tín” và những kết quả đạt được, trường đại học Luật TP. HCM sẽ tiếp tục là một cơ sở đào tạo cung ứng chủ yếu nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp luật cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của các tỉnh phía Nam nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Bài: An Nguyễn, Nam Phương, Bích Trâm
Ảnh: Tư liệu
Ban Truyền thông ULAW